1. Truy cập trang web của Sở Phòng cháy chữa cháy (Thông tin có liên quan ), chọn: Tuyên truyền giáo dục/ tuyên truyền phòng chống thiên tai/ chuyên mục những quan niệm sai lầm.
2. Những thông tin lan truyền trên mạng về an toàn phòng cháy chữa cháy và tài liệu giải mã:
(1)“Tam giác vàng sống sót trong động đất”: là lý thuyết được ông Doug Copp của Hoa Kỳ đề xuất. Khi tòa nhà đổ sập, vì tác động của trọng lực nó sẽ va chạm với các vật thể hoặc đồ đạc, tạo ra một khoảng trống phía dưới, đây được gọi là "tam giác vàng sống sót". Khi vật thể càng lớn và kiên cố, phần bị ép nén sẽ càng nhỏ, tạo ra khoảng trống càng lớn. Do đó, những người tận dụng khoảng trống này có cơ hội tránh khỏi thương tích cao hơn.
Tài liệu giải mã: Theo thông cáo báo chí của Sở Phòng cháy chữa cháy - Bộ Nội vụ đưa ra vào ngày 11 tháng 4 năm 2021, Bộ lý thuyết sơ tán “Tam giác vàng sống sót trong động đất” không được các quốc gia chính thức công nhận. Điều này chủ yếu là do tình huống xảy ra trong động đất, môi trường nơi sinh sống, cũng như cấu trúc chống động đất của các tòa nhà tại các quốc gia trên thế giới đều không giống nhau. Do đó, không thể áp dụng một quy tắc chung cho tất cả. Thương tích do động đất gây ra, chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi môi trường của các tòa nhà, đó có thể là những thương tích mang tính phi cấu trúc như đồ vật rơi xuống, hoặc đồ dùng to và nặng trong nhà đổ xuống; cũng có thể là thương tích mang tính kết cấu như sập nhà và sụt lún các tầng của tòa.
Khi động đất xảy ra, không thể dự đoán được trận động đất sẽ rung chuyển như nào, hướng các đồ vật hoặc tòa nhà sẽ sụp đổ. Do đó, không thể phán đoán được nơi nào sẽ tạo ra không gian được gọi là “tam giác vàng sống sót trong động đất”. Hiện tượng thường phát sinh là dưới sự rung lắc do năng lượng phát ra của trận động đất, không gian “tam giác vàng sống sót trong động đất” được dự kiến trước có thể hoàn toàn biến mất, do sự di chuyển ngang của đồ đạc hoặc vật dụng, từ đó gây thương tích cho người do bị nén hoặc va chạm với các đồ vật này.
Vì thế, xin được lưu ý mọi người 3 bước bảo vệ an toàn trong trường hợp động đất: “núp - che - giữ”, đồng thời cần thường xuyên luyện tập để nâng cao khả năng ứng biến.
(2) Nếu gặp đám khói dày đặc, cần dùng khăn ướt che mũi và miệng để thoát ra ngoài.
Tài liệu giải mã:
1. Hung thần giết người số một trong các đám cháy chính là khói. Khói dày có chứa khí độc, với nhiệt độ cao và làm thiếu oxy. Khăn ướt không có tác dụng ngăn chặn khí độc. Hơn nữa, khăn ướt sẽ hấp thụ nhiệt độ trong đám cháy, làm cho nước biến thành hơi nước. Do đó, khi che miệng và mũi bằng khăn ướt, việc hít phải hơi nước nóng có thể gây tổn thương cho đường hô hấp. Ngoài ra, việc sử dụng khăn ướt để bịt miệng và mũi cũng có thể tạo ra sự cô lập không khí, gây ra tình trạng thiếu ôxy.
2. Nếu đám cháy được phát hiện sớm, nguyên tắc chính là thoát khỏi hiện trường một cách nhanh chóng. Việc lấy khăn ướt và cầm khăn ướt trong quá trình di chuyển bằng cách bò thấp dưới đất (hai đầu gối chạm đất, miệng và mũi hạ thấp, cánh tay và khuỷu tay gập sát đất) có thể ảnh hưởng đến thời gian và tốc độ thoát hiểm.
Nếu đám cháy phát hiện muộn, nên tìm một nơi tương đối an toàn để “đóng cửa trú ẩn”, tuyệt đối không nên đặt niềm tin vào việc sử dụng khăn ướt hoặc các vật dụng khác. “Nhìn thấy lửa thì nhanh chóng thoát ra, thấy khói thì đóng cửa lại!”, cẩn trọng ứng biến để bảo vệ bản thân.
(3) Một số thông tin lưu truyền trên mạng rằng, khi xảy ra hỏa hoạn chỉ cần trốn vào trong nhà tắm là có thể hít thở không khí trong lành, vì nhà tắm có lỗ thoát nước.
Tài liệu giải mã:
1. Đại đa số phòng tắm và nhà vệ sinh thường dùng cửa nhựa. Cửa nhựa không chịu nhiệt, chỉ cần nhiệt độ của đám khói dày (khoảng 200 đến 400 độ C) là có thể làm cho cửa nhựa tan chảy. Vì thế, việc trốn trong phòng tắm hoặc nhà vệ sinh không thể ngăn chặn khói một cách hiệu quả, cuối cùng dẫn đến tử vong do khói và lửa.
2. Nguồn nước trong phòng tắm không có tác dụng trước nhiệt độ của đám khói dày đặc. Việc làm ướt toàn thân chỉ có tác dụng tâm lý, tăng cảm giác an toàn.
3. Để ngăn chặn mùi hôi từ đường ống dẫn nước lan tỏa vào phòng tắm, các lỗ thoát nước thường được lắp đặt theo cơ chế “khúc cong chứa nước” (ống nước hình chữ S). Sử dụng hình dạng gấp khúc để giữ một lượng nước trong ống, phát huy tác dụng chặn không khí, tránh cho mùi hôi từ các nhà vệ sinh của các hộ gia đình làn tỏa khắp nơi. Vì thế, lỗ thoát nước không thể cung cấp nguồn “không khí trong lành”
4. Hãy trốn trong phòng có cửa sổ hướng ra ngoài, đóng chặt cửa phòng và sử dụng băng dính, khăn mặt hoặc quần áo để bít kín các khe cửa. Mở cửa sổ để có thể gọi cứu hộ bên ngoài, hoặc ở trong phòng gọi 119 và đợi cứu trợ.