Trong tình hình dịch bệnh thế giới càng ngày càng trở lên nghiêm trọng. Tôi hy vọng rằng ngày Tết Đoan Ngọ mau đến, để mang đi tất cả mọi vi rút đáng ghét, mong cho thế giới bình an khỏe mạnh trở lại. Tại sao tôi lại nói như vậy nhỉ, bởi vì “Tết Đoan Ngọ” còn có cái tên khác là “ Tết giết sâu bọ”. Nghe thấy “Tết giết sâu bọ” với cái tên gọi này mọi người chắc hẳn có thể hiểu được tại sao tôi lại mong cái ngày Tết này nhanh đến là thế .
Rất nhiều các khu vực quốc gia Châu Á đều ăn Tết Đoan Ngọ, giống như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc v.v..., bao gồm cả Việt Nam cũng ăn Tết Đoan Ngọ, vậy thì ngày Tết Đoan Ngọ của Việt Nam có khác biệt gì so với các quốc gia khác nhỉ? Trước tiên, thì ngày Tết Đoan Ngọ của Việt Nam cũng giống như ở Đài Loan vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Nhưng chúng tôi không biết Khuất Nguyên là ai, bánh trưng thì ăn vào ngày Tết, không có dựng trứng, cũng chẳng có chèo thuyền rồng, cũng không có ngày nghỉ lễ đặc biệt. Vậy thì người Việt Nam ăn Tết Đoan Ngọ như thế nào nhỉ?
Tôi sinh ra và lớn lên tại miền Bắc Việt Nam, gia đình chúng tôi trước một tuần của ngày Tết Đoan Ngọ, mẹ tôi đã bắt đầu chuẩn bị làm rượu nếp. Các bước chuẩn bị để làm rượu nếp rất nhiều công đoan và phức tạp, và còn phải chú ý rất nhiều chi tiết. Đầu tiên là bước chọn gạo rồi nấu chín, để nguội, tiếp đến cho vào men làm rượu (phải chú ý tỉ lệ giữa gạo và men), cuối cùng thì dùng lá chuối bọc lại. Sau 4 đến 5 ngày sau, trong nhà ngửi thấy mùi thơm sực nức. Tuy đã được mẹ nhắc nhở là không được giở ra xem, bởi vì nếu làm không khí vào, rượu nếp sẽ bị hỏng, sự chuẩn bị vất vả của mẹ từ trước sẽ thành mây khói. Nhưng do cái tính tò mò khi ngửi thấy mùi thơm, chịu không nổi chạy đi xem trộm, liền vội chạy đi gọi mẹ: “Mẹ ơi, con thấy có chảy ra màu trắng đục rồi này”. Mẹ tôi vội vàng đi kiểm tra, thì ra rượu nếp đã báo sự thành công, ngày hôm sau cũng vừa vặn là ngày Tết Đoan Ngọ.
Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ, người lớn chuẩn bị sẵn một nồi nước lá thơm thật to, trong nồi nước đó bao đổm các loại lá như lá chanh, vỏ bưởi, lá sả, rau mùi già, lá hương nhu v.v..., nước lá này dùng để tắm gội, gột bỏ hết vi khuẩn, sâu bọ trên người. Hy vọng 1 năm sức khỏe bình an. Sau khi tắm gội xong, đợi người lớn thắp hương tổ tiên, mọi người cùng thưởng thức ăn món rượu nếp. Tôi còn nhớ vào một năm, vì mùi thơm của rượu nếp và hương vị ngọt ngào của nó mà tôi đã ăn hết bát này đến bát khác. Đợi đến khi mẹ tới thì tôi đã ăn hết sạch rồi, nghe mẹ nói mặt của tôi đỏ rực, miệng thì cứ luôm mồm nói : “giết sâu bọ, giết sâu bọ.....”
Mùa hè nóng bức sắp đến gần, mong mọi nhà sức khỏe bình an. Mời các bạn Đài Loan có dịp đến Việt Nam du lịch, nếu vào ngày lễ Đoan Ngọ, hãy nhớ thưởng thức món rượu nếp nhé. Nhưng phải nhớ đừng có ăn nhiều như tôi nhé!
Bức ảnh 1 Rượu nếp cẩm