Phiên dịch và hướng dẫn viên du lịch tiếng Indonesia
Họ tên: Liêu Chuyển Vận (Liao Zhuanyun)
Quốc tịch: Indonesia
Tên tôi là Liêu Chuyển Vận (Liao Zhuanyun), tôi thường giới thiệu về mình với mọi người bằng một câu: Gặp tôi là sẽ được “chuyển vân”.
Tôi là Hoa Kiều thế hệ thứ ba ở Indonesia. Sau khi kết hôn đến Đài Loan sinh sống và sinh con tôi mới bắt đầu học tiếng Trung. Tôi và chồng tôi quen nhau ở Indonesia, khi đó tôi là quản lý bộ phận chất lượng, còn anh ấy được cử đến làm việc tại nhà máy nơi tôi làm việc.
Kết hôn với anh ấy và đến Đài Loan không bao lâu, chúng tôi có con đầu lòng. Cuộc sống của tôi bắt đầu trở nên khó khăn. Tôi phải đối diện với những vấn đề thích nghi khi đến Đài Loan, từ thời tiết (ở Indonesia không có mùa đông), ăn uống, nuôi dạy con cái, quan hệ mẹ chồng nàng dâu, tất cả các vấn đề này lần lượt xuất hiện. Trong đó, vấn đề lớn nhất chính là rào cản ngôn ngữ.
Việc chăm sóc con cái là do tôi đảm nhận. Mỗi lần một mình đưa con đến bệnh viện tiêm phòng, tôi đều phải đến bệnh viện rất sớm và rất muộn mới có thể về nhà. Lúc đó, bệnh viện không có dịch vụ thông dịch, tôi không hiểu các biểu mẫu của bệnh viện và cần sự giúp đỡ của y tá, nhưng các y tá cũng rất bận rộn và không thể hỗ trợ kịp thời. Khi đó, tôi thật sự ghen tị với những người phụ nữ nhập cư khác, khi đưa con đi tiên phòng họ luôn có chồng đi cùng.
Năm 2007, do khủng hoảng tài chính chồng tôi bị công ty cho thôi việc, cuộc sống của chúng tôi trở nên khó khăn. Tôi muốn tìm việc làm nhưng không biết tiếng và cũng không có ai trông con. Ban đầu, tôi chỉ muốn kiếm thêm chút tiền để trang trải cuộc sống. Tôi tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua những người xung quanh và bạn bè trong nhà thờ. Lúc đó, có một người bạn trong nhà thờ, mẹ của cô ấy sau khi phẫu thuật xuất viện về nhà không có ai chăm sóc. Cô ấy hy vọng tôi có thể đưa hai con của mình đến để chăm sóc bà, giúp dọn dẹp nhà cửa. Nhờ vậy, tôi đã tìm được công việc đầu tiên.
Sau đó, tôi quen một nhân viên xã hội. Dưới sự hướng dẫn của cô ấy, tôi biết đến nhiều chính sách phúc lợi của chính phủ và “Dịch vụ nghỉ tiếp sức”. Vào năm 2009, tôi bắt đầu tham gia công việc trong chương trình này. Ban đầu, tôi nghĩ mình sẽ sớm nghỉ việc, nhưng không ngờ đến giờ tôi vẫn tiếp tục công việc này. Vào các kỳ nghỉ hè và đông, số lượng hồ sơ đăng ký “Dịch vụ nghỉ tiếp sức” nhiều nhất. Tôi đưa những người đăng ký về nhà chăm sóc, cho chơi cùng các con của tôi. Thông qua công việc này, tôi gặp gỡ nhiều trường hợp có hoàn cảnh gia đình khác nhau, câu chuyện của họ khiến tôi càng trân trọng những gì Chúa đã ban cho tôi. Và cũng qua công việc này, tôi được nhận làm thông dịch tại Quỹ Pearl S. Buck, trở thành thông dịch viên cho các đơn vị như Hội quán Tân di dân Đài Bắc, Trung tâm Dịch vụ Sức khỏe Đài Bắc, Trạm phục vụ Đài Bắc của Cục Di dân, Sở Cảnh sát và tòa án cấp cao v.v...
Cách tôi học tiếng Trung là thông qua việc làm tình nguyện viên. Khi con tôi đi học mẫu giáo, tôi làm mẹ tình nguyện ở trường. Cô giáo kể chuyện ở phía trước, còn tôi ngồi phía sau vừa nghe vừa học tiếng Trung, qua đó cũng học cách cô giáo dạy trẻ ở lớp. Vào buổi tối, tôi đưa hai con cùng đến lớp học bổ túc để tiếp tục con đường học tập. Tôi thật sự biết ơn các thầy cô ở trường bổ túc, vì lúc đó họ không từ chối mà chấp nhận cho tôi vào học.
Trước đây, tôi đã từng nhận công việc dịch thuật tài liệu, nhưng sau khi bị lão thị, tôi không làm nữa. Tôi cũng từng là giáo viên tiếng Indonesia tại trường học trong 4 năm, nhưng vì mỗi lần dẫn đoàn Indonesia tôi không tìm được giáo viên dạy thay, cuối cùng phải từ bỏ nghề giáo. Tôi cũng đã từng làm công việc hành chính tại Phòng Nghiên cứu và Phát triển điều dưỡng Canh Tân ở Tân Điếm. Hiện nay, con tôi đã vào học đại học cần có nguồn thu nhập ổn định, vì thế tôi xin vào làm việc tại một công ty nhân lực. Vào cuối tuần, tôi hỗ trợ những trường hợp đăng ký “Dịch vụ nghỉ tiếp sức”, khi có thời gian rảnh tôi nhận hướng dẫn các đoàn khách Indonesia đến Đài Loan du lịch. Ngoài ra, tôi cũng hỗ trợ cảnh sát, tòa án cấp cao trong việc phiên dịch tiếng Indonesia.
Tính đến nay, tôi đã ở Đài Loan được 23 năm. Nhìn lại quá trình khó khăn mà tôi đã trải qua, tuy vất vả nhưng rất đáng giá. Các con đã đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường này. Các con cũng hiểu và cảm nhận được những khó khăn mà mẹ đã trải qua khi nuôi dạy chúng lớn khôn lớn. Khi sinh sống ở Đài Loan, chính phủ rất coi trọng và chăm sóc tốt cho Tân di dân. Chỉ cần chúng ta quyết tâm học hỏi, bước ra ngoài xã hội, sẽ nhận thấy có rất nhiều người sẵn lòng giúp đỡ chúng ta. Mọi người hãy cùng cố gắng nhé!