Chuyển đến khối nội dung chính

Chuyến du lịch Đài Loan của tôi

Người dẫn chương trình phát thanh tiếng Philippines

Họ tên: Sa Ái Lệ (Sha Ai-li)

Quốc tịch: Philippines


Tôi là Sa Ái Lệ (Sha Ai-li), kết hôn với chồng người Đài Loan và có một cô con gái. Trước đây, chồng tôi là quản lý tòa nhà, còn tôi là thư ký hành chính tại một công ty du lịch. Vì muốn mua nhà ở Philippines, nên buổi tối tôi còn nhận dạy thêm tiếng Anh. Do cả hai vợ chồng đều phải làm việc, nên chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc con gái, đưa đón con đi học, ngày nấu ba bữa ăn. Ban đầu, lương chúng tôi không cao lắm, phải tiết kiệm chi tiêu mới đủ trả cho các khoản sinh hoạt phí. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tận hưởng cuộc sống đơn giản và vui vẻ của một gia đình nhỏ. Điều này rất khác với cuộc sống của những gia đình lớn phổ biến ở Philippines.

Thời gian đầu tìm kiếm việc làm tại Đài Loan, tôi đã thành lập Hiệp hội “Người Philippines kết hôn đến Đài Loan Filipinos Married to Taiwanese (FMTA)”. Khi mới thành lập, chúng tôi chỉ có vài thành viên. Trong suốt bảy năm điều hành, tôi đã đại diện FMTA tham gia một số hội nghị quốc tế, mở các lớp dạy tiếng Anh và nấu ăn cho con em của các thành viên, giúp đỡ những người cần hỗ trợ và các sinh viên Philippines đến Đài Loan học tập, cũng như tổ chức các hoạt động liên quan khác.

Sau khi chồng tôi qua đời, tôi đã từ bỏ công việc thư ký hành chính tại công ty du lịch và công việc dạy tiếng Anh, bắt đầu chuyển sang viết lách. Con gái tôi giúp tôi xuất bản các bài viết và ấn phẩm, rồi chúng tôi đã cho ra mắt tạp chí mang tên “The Migrants”. Thời gian đầu, chúng tôi không có đủ khả năng trả lương cho nhân viên, vì vậy chúng tôi phải tự làm tất cả các công việc.

Khi đó, để có tiền chi trả cho giấy in và chi phí in ấn, chúng tôi phải dựa vào việc kiếm tiền từ quảng cáo. Tôi rất đam mê viết lách, nhưng do công việc gia đình và tình hình kinh tế, phải mất nhiều năm tôi mới có thể xuất bản tạp chí “The Migrants”. Tạp chí này đã giúp nhiều người không thể ra ngoài giảm bớt áp lực và lo lắng trong cuộc sống. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi nhận thấy mạng xã hội trở nên phổ biến, làm thay đổi thói quen đọc ấn phẩm giấy của mọi người, vì thế chúng tôi đã quyết định ngừng xuất bản tạp chí. Mặc dù tạp chí đã ngừng hoạt động, nhưng công việc này đã giúp tôi cảm nhận được giá trị của bản thân. Tập trung vào viết lách giúp tôi tạm quên đi nỗi cô đơn khi chồng tôi qua đời.

Sau khi kết thúc công việc viết tạp chí, tôi may mắn nhận được công việc đưa tin về Đài Loan tại Đài phát thanh Trung ương. Được làm việc tại Đài phát thanh Trung ương khiến tôi cảm thấy hào hứng và tự hào. Có một số anh chị em Tân di dân ở Đài Loan không thể làm việc, phải phụ thuộc vào thu nhập của chồng, và tôi thấy tình trạng này rất bất công. Làm việc không chỉ giúp cải thiện tình hình tài chính của gia đình, mà còn giúp chúng tôi học hỏi được nhiều kiến thức phong phú, và kết bạn với nhiều người trong công việc.

Mặc dù tôi yêu thích công việc của mình, nhưng gia đình vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu đối với tôi, đặc biệt là việc giáo dục con cái. Tôi rất chú trọng việc dạy con tôn trọng những người xung quanh, đặc biệt là người lớn tuổi, thầy cô giáo, và bạn bè. Khi con biết tôn trọng người khác, người khác cũng sẽ tôn trọng con. Quá trình chăm sóc và nuôi dạy con cái thật không dễ dàng vì chúng ta phải cân nhắc nhiều điều, chẳng hạn như việc giáo dục và kết quả học tập ở trường của các con. Tuy nhiên, có những điều chúng ta không thể ép buộc, như việc thi cử. Có trẻ thì thông minh, có trẻ thì không. Nên nếu chúng ta gây cho các con áp lực quá lớn, các con có thể không chịu nổi và thậm chí có thể tự làm tổn thương mình. Vì thế, cho dù thành tích học tập của các con có như nào, chúng ta vẫn nên khuyến khích và động viên các con.

Tôi có quen một số phụ huynh, những phụ huynh này vì muốn khoe với bạn bè con mình xuất sắc như nào, nên đã ép con phải đạt thành tích tốt ở trường. Điều này thực sự không tốt chút nào. Chúng ta nên dành những lời khen ngợi và động viên các con nhiều hơn, thay vì tạo áp lực cho các con. Cha mẹ cần làm tấm gương tốt cho con cái, vì con sẽ học cách đối xử với người khác bằng cách bắt chước cha mẹ.

Tôi cũng quen nhiều người trẻ, mặc dù thành tích học tập ở trường của họ không tốt lắm, nhưng họ vẫn có thể tìm được công việc tốt. Chẳng lẽ điều đó không đủ để sống một cuộc sống hạnh phúc sao? Khi làm việc, những người trẻ học được nhiều kiến thức từ công ty, bạn bè và đồng nghiệp. Một người làm bất cứ công việc gì, chỉ cần họ vui vẻ và có thu nhập, thì đã nên hài lòng. Niềm hạnh phúc thực sự đến từ nội tâm, đó là lý do đầy đủ để sống trên thế giới này. Trên đây là những trải nghiệm của tôi khi sống ở Đài Loan, hy vọng có thể giúp đỡ nhiều anh chị em Tân di dân và con cái của họ.