Chuyển đến khối nội dung chính

Thảo luận về quyền lựa chọn tương lai của thế hệ thứ 2 Tân di dân từ góc độ của việc nuôi dạy con cái

Ngô Chấn Nam (Wu Zhen-nan) - Người dẫn Chương trình phát thanh Tân di dân

Quốc tịch: Malaysia


    Những gia đình Tân di dân có con đang lớn, thường hay nói chuyện với những gia đình Tân di dân quen biết khác về kế hoạch tương lai của con họ!


Vì có bố hoặc mẹ là người nhập cư, nên trẻ em trong các gia đình này ít nhiều có kinh nghiệm sống tại nước ngoài (không phải du lịch). Vì vậy, theo quan niệm của các bậc phụ huynh Tân di dân, con họ có cơ hội để phát triển ở nước ngoài.


Đặc biệt, sau khi chương trình giảng dạy ngôn ngữ Tân di dân được đưa vào đề cương đào tạo năm 2019 của Vụ Giáo dục, các trường học không chỉ khuyến khích thế hệ thứ 2 Tân di dân chọn học ngôn ngữ mẹ đẻ, mà còn nhấn mạnh - việc học ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ là một ưu thế để tăng cơ hội học tập và làm việc trong tương lai. Điều này vô hình trung tạo ra một kỳ vọng từ xã hội, mong muốn thế hệ thứ 2 Tân di dân sẽ trở thành cầu nối giữa quê hương của bố/ mẹ với Đài Loan.


Tuy nhiên, hình ảnh lý tưởng về thế hệ thứ 2 Tân di dân trong mắt người lớn, có thể là yếu tố gây ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, khi đối mặt với các vấn đề về việc nuôi dưỡng con cái trong gia đình.


Ví dụ, một em nhỏ của gia đình Tân di dân, em vẫn luôn có thành tích học tập tốt, nhưng do gia đình phải chuyển đến ở một nơi rất xa với trường học. Do thời gian đi học kéo dài đã ảnh hưởng đến việc học của em, và kết quả kỳ thi chuyển cấp vào trường trung học không đạt được như mong đợi. Vì vậy, mẹ em đã gợi ý em lựa chọn cách quay về quốc gia X để phát triển. Nhưng không ngờ, việc này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của em, thậm chí em còn không chịu rời khỏi phòng. May là, sau khi hai mẹ con dành thời gian nói chuyện, mẹ em mới hiểu được rằng em muốn thi lại kỳ thi chuyển cấp, và từ đó biết được những điều em cần gia đình hỗ trợ.


Việc này cũng giống như khi tôi khuyến khích con học thêm một số ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là tiếng Anh, để khi cần thiết có thể sắp xếp để con về học tại Singapore hoặc Malaysia. Nhưng trước yêu cầu của tôi, con thường thể hiện sự không phối hợp. Sau nhiều lần trò chuyện, con mới bắt đầu chú ý hơn đối với việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên, việc có đồng ý trở về Singapore hoặc Malaysia thì vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn!


Điều này là vì ngay cả những người làm cha mẹ cũng cần hiểu rằng, con cái họ đang lớn lên trong một môi trường sống và giáo dục hoàn toàn khác biệt so với thế hệ của họ. Các con có quan điểm riêng để nhìn nhận về danh tính thế hệ thứ 2 Tân di dân của mình, và dù điều này khác với những gì người lớn mong đợi, nhưng đó là sự lựa chọn cá nhân mà cần được tôn trọng.