Thái Triều Hiện (Cai, Chao-Xian) – Chủ nhiệm Phòng Phụ đạo trường tiểu học Cựu Trang (Jiuzhuang)
Theo thống kê dân số năm 2020 của Bộ Nội chính, số trẻ sinh ra vào năm 2020 có bố hoặc mẹ ruột là người nhập cư mới, chiếm 7,7% so với tổng số trẻ ra sinh của năm đó. So với mức cao nhất là 13,37% vào năm 2003, con số này đã có chiều hướng giảm. Đây là một vấn đề không thể xem nhẹ.
Việc học tập ở trường của con cái gia đình Tân di dân không có gì khác biệt so với các học sinh thông thường khác, điều chủ yếu là việc chức năng gia đình có được phát huy một cách có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, đây không phải là điều chỉ xảy ra đối với gia đình Tân di dân. Có một sự đãi ngộ khác biệt trong việc lựa chọn các khóa học ngôn ngữ địa phương hoặc việc nói chuyện với con bằng ngôn ngữ mẹ đẻ khi ở nhà.
Từ năm học 2019, bảy ngôn ngữ Đông Nam Á đã được đưa vào và trở thành môn tự chọn của bộ môn ngôn ngữ địa phương. Nhưng tại trường học, chúng tôi phát hiện ra một điều, nhiều con em gia đình nhập cư đến từ Đông Nam Á lại không lựa chọn ngôn ngữ mẹ đẻ của bố hoặc mẹ. Đây đúng là một hiện tượng gây sự tò mò cho mọi người. Khi tìm hiểu về suy nghĩ của các em, các em đều nói rằng: Chọn học tiếng Mân Nam (hoặc tiếng Khách Gia) theo yêu cầu của người lớn trong gia đình, bởi vì không biết ngôn ngữ quê hương mẹ đẻ v.v…Từ những lời chia sẻ của các em, cá nhân tôi thấy rằng, Tân di dân đến từ các nước Đông Nam Á là những người yếu thế trong gia đình cơ bản của Đài Loan, đặc biệt là những phụ nữ Tân di dân. Ngoài việc phải đảm đương các công việc nội trợ trong gia đình, họ cũng phải chịu trách nhiệm lao động kiếm tiền. Trong hoàn cảnh “nến đốt hai đầu”, thật khó để có đủ sức lực chăm lo tốt cho việc học tập của con cái tại trường.
Để hiểu rõ hơn những khó khăn của gia đình Tân di dân và cơ hội học tập của con em họ tại trường, bản thân tôi đã từng quan tâm đến cơ hội dạy con nói tiếng mẹ đẻ tại nhà của các phụ huynh Tân di dân. Tuy nhiên, mỗi gia đình Tân di dân lại có hoàn cảnh khác nhau. Nếu may mắn được gia đình đối xử công bằng, trong cuộc sống hàng ngày trẻ sẽ có cơ hội giao tiếp với cha mẹ bằng tiếng mẹ đẻ ngay từ khi còn nhỏ. Ngay cả khi khả năng nói tiếng mẹ đẻ không phải là rất tốt, nhưng trẻ sẽ hiểu rõ hơn về văn hóa của quê hương bố hoặc mẹ. Ngược lại, đối với những gia đình có mối quan hệ hôn nhân không bình đẳng, thì địa vị của Tân di dân trong gia đình thật dễ để tưởng tượng. Đặc biệt là với thế hệ ông bà, việc dạy con tiếng mẹ đẻ ở nhà đã là điều không thể, nên đừng nói đến chọn ngôn ngữ Đông Nam Á để học ở trường.
Cá nhân tôi đã cố gắng tận dụng lợi thế của các cơ hội giáo dục và công cụ ngôn ngữ, để thảo luận với phụ huynh và con em gia đình Tân di dân về việc chọn ngôn ngữ địa phương. Đối với những trẻ và phụ huynh đến từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tôi thường nói với trẻ rằng, biết thêm một ngôn ngữ mới sẽ mở ra nhiều cơ hội trong tương lai. Các em không chỉ có thể giao tiếp với những người đến từ quốc gia mẹ đẻ, mà còn là điểm sáng để tìm kiếm những cơ hội phát triển kinh tế, xây dựng cầu nối về văn hóa và kinh tế giữa hai quốc gia. Ví dụ, đưa các ngành công nghiệp đặc trưng của Đài Loan đến với đất nước mẹ đẻ, hoặc mang những nét đặc sắc về văn hóa kinh tế của đất nước mẹ đẻ vào Đài Loan, như món phở trong văn hóa dùng gạo làm món ăn của Việt Nam, món trà sữa trân châu của Đài Loan v.v… Tuy nhiên, để có được nhiều cơ hội thì việc học tốt ngôn ngữ là điều bắt buộc.
Sau nhiều lần nói chuyện với phụ huynh và các em học sinh gia đình Tân di dân, mọi người cũng đã có những thay đổi về suy nghĩ, trong thâm tâm nung nấu việc tìm hiểu kinh tế và văn hóa đất nước mẹ đẻ. Với việc học hỏi và tích lũy liên tục theo thời gian, thì thật sự có hy vọng cho tương lai.