Thái Triều Hiện (Tsai Chao-xian) – Chủ nhiệm Phòng Quản lý học sinh
Trường Tiểu học Tân Giang (Binjiang)
Khi giáo dục và sự hỗ trợ từ gia đình không đủ mạnh, nó sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách tích cực của trẻ, đặc biệt là khi trẻ bị kiểm soát nghiêm ngặt và áp đặt từ gia đình trong quá trình phát triển. Những đứa trẻ bị kiềm chế có thể trở nên nổi loạn hoặc nhút nhát. Cô bé này trước 3 tuổi sống ở Việt Nam. Khi mới về Đài Loan sinh sống, cô bé không biết nói tiếng Hoa, nhưng nhờ sự chăm sóc chu đáo của ông bà, khi vào lớp mẫu giáo lớn cô bé đã có thể giao tiếp bằng tiếng Hoa. Tuy nhiên, do bà không cho phép cô bé và mẹ giao tiếp bằng tiếng Việt, nên cô bé đã hoàn toàn quên hết tiếng Việt.
Do bà của cô bé đối xử không thân thiện với nàng dâu người Việt, vì thế bố mẹ em đã li dị khi cô bé đi học mẫu giáo. Ông bà cắt đứt mọi liên lạc giữa cô bé và người mẹ, nên ấn tượng của cô bé về mẹ cũng dần dần mất đi. Do ông bà có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nên ông bà có sự đối xử khác biệt giữa cô bé và anh trai. Với thành tích học tập xuất sắc ở trường của anh trai, cô bé trở nên nhạt nhòa trong gia đình. Thêm vào đó, vì cô bé thường xuyên mất tập trung, thành tích học tập ở trường không tốt, nên khi mắc lỗi sẽ bị ông bà mắng mỏ và trừng phạt. Anh trai thì thường xuyên làm khó em gái, không chăm sóc và bảo vệ em gái như một người anh.
Bé gái sớm phát triển rất muốn thể hiện để nhận được sự chú ý của ông bà, nhưng với sự thiếu tập trung, cô bé không thể chuyên tâm hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra trước đó. Cô bé chỉ có động lực trong khoảng ba phút đầu tiên, nên liên tiếp gặp thất bại. Ông bà cũng không kỳ vọng gì vào cô bé, còn quản lý cuộc sống của cô bé nghiêm ngặt hơn. Sau giờ học, cô bé không được phép tự do ra khỏi nhà nếu không có sự đồng ý của ông bà. Ở nhà, cô bé phải giúp đỡ làm việc nhà, phải rửa hộp đựng cơm và quần áo giúp anh trai. Ở trường, cô bé mong muốn có ai đó quan tâm đến mình. Vào giờ ra chơi, cô bé thường lang thang ở hành lang lớp học của anh trai và thể hiện tình cảm với học sinh nam lớp trên. Cô bé thường xuyên viết thư tình và khiến cậu học sinh lớp sáu này hoảng sợ. Cậu bé tìm cách lẩn tránh, dẫn đến tình huống người chạy người đuổi vào giờ ra chơi trong khuôn viên trường. Trước những hành động không thích hợp này, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên phụ đạo đã đặc biệt quan tâm và hỗ trợ, giúp cô bé học được kỹ năng giao tiếp xã hội.
Để giúp cô bé hoàn thành tốt một công việc, tăng sự tự tin qua những thành tựu đạt được, nên các thầy cô đã đề xuất cho cô bé tham gia vào đội tuyển và cuộc thi diễn thuyết bằng tiếng Mẫn Nam (Minnan), mặc dù trong quá trình này cô bé cũng đã gây không ít khó khăn cho giáo viên hướng dẫn. May thay, với sự kiên trì hướng dẫn của thầy cô giáo, sau một thời gian, cô bé đã đạt được một số thành tích nhỏ. Khi ông bà thấy được sự tiến bộ của cô bé, vào thời điểm cô bé có sự tiến bộ rõ rệt nhất, thầy cô đã tận dụng cơ hội để nói chuyện với ông bà, hy vọng ông bà sẽ áp dụng việc giáo dục và quản lý một cách hợp lý với hai anh em. Một điều đáng chú ý khác, liên quan đến việc cô bé thích tiếp xúc với các bạn nam ở lớp trên, mong muốn có ai đó ở bên cạnh, lý do có thể là do thiếu sự quan tâm từ phía cha và sự chăm sóc từ phía mẹ. Ông bà nên chú ý đến việc kết giao bạn bè của cô bé, quan tâm đến cô bé nhiều hơn để em cảm nhận được tình yêu thương trong gia đình, tránh tình trạng cô bé sớm rời xa gia đình khi đến tuổi trưởng thành.