Chuyển đến khối nội dung chính

7 tác phẩm đèn chiếu sáng ẩn mình trong khu vườn phía sau của Đài Bắc – Một buổi tụ họp văn hóa của Tân Di dân.

Thông cáo báo chí của Cục Dân chính – Chính quyền thành phố Đài Bắc 


Đơn vị đưa tin: Phòng Chính sách Nhân khẩu

Thời gian đưa tin: Ngày 17/1/2023

Người liên hệ: Trưởng phòng Ngô Trọng Tín (Wu, Zhong-Xin)   La Hương Vân (Luo, Xiang-Yun)

Điện thoại liên lạc: 1999 chuyển 6258, 6375, 0966590813, 0935265759


“Lễ hội đèn lồng Đài Loan năm 2023 tại Đài Bắc” sẽ được tổ chức từ ngày 5/2 đến ngày 9/2/2023 tại quận Đông, Công viên Sáng tạo Văn hóa Tùng Sơn và khu bách hóa quận Tín Nghĩa (Xinyi). Trong đó, “khu triển lãm Nguồn gốc” tại Công viên Sáng tạo Văn hóa Tùng Sơn mang đậm yếu tố văn hóa nước ngoài. Tại Lễ hội đèn lồng lần này, Cục Dân chính - chính quyền thành phố Đài Bắc đã mời nhiều nhà nghệ thuật Tân Di dân và Đài Loan cùng hợp tác sáng tạo. Dựa trên những kinh nghiệm, cảm xúc trong cuộc sống của Tân Di dân tại Đài Bắc và những câu truyện truyền thống từ quê hương họ, tạo nên những tổ hợp đèn vô cùng đặc sắc.

    Sự khác biệt lớn nhất trong Lễ hội đèn lồng Đài Loan lần này đó là, các nhà nghệ thuật lấy thông điệp “cùng tồn tại”, “cùng phát triển” và “cùng sáng tạo” làm ý tưởng lên kế hoạch và phát triển các tổ hợp đèn của Tân Di dân. Tác phẩm sáng tạo dựa theo cảm xúc: Điểm đến của những người xa quê, Ẩm thực quê hương kết nối Đài Bắc với thế giới để “cùng tồn tại”. “Chúng tôi ở đây”, “Gieo hương vị Đài Bắc” và “Lễ tết”. 

Nhà nghệ thuật thiên nhiên Vương Văn Chí (Wang, Wen-Zhi) lấy chủ đề “Chúng tôi ở đây” cho hướng sáng tạo của mình. Trong quá trình thiết kế, ông đã mời nhiều người nhập cư đến cùng thảo luận và lên ý tưởng. Sản phẩm tạo ra từ sự kết hợp này là một không gian đan tre cao 7 mét. Sự đan kết giữa các thanh tre thể hiện sự kết hợp nhiều nền văn hóa khác nhau của Tân Di dân. Nếu việc xếp chồng và kéo dài những thân tre tượng trưng cho những thách thức và sự tôi luyện trong cuộc sống, thì những dải bện màu đỏ, vàng, xanh lục, xanh lam lại mang ý nghĩa người nhập cư vượt qua biển cả để đến đây xây dựng một cuộc sống mới. 

Nhà nghệ thuật điêu khắc giấy Thành Nhược Hàm (Cheng, Ruo-Han) lấy chủ đề “Gieo hương vị Đài Bắc”. Thông qua hình ảnh chiếc bàn ăn để nói lên tầm quan trọng của hương vị và món ăn đối với văn hóa bản địa. Tác phẩm chiếc bàn ăn dài 12 mét chạm khắc bằng sắt bao quanh cây đại thụ, tương trưng cho sự hòa nhập và viên mãn của người nhập cư với thành phố Đài Bắc. 

Trong khi đó Kidult Studio lại lấy chủ đề “Lễ tết”, vẽ những món ăn đặc biệt trong ngày lễ của các nước trên tường Hội quán Tân Di dân Vạn Hoa. Bức tranh được chiếu bằng những tia sáng màu tím, tạo nên những cảm nhận khác biệt về văn hóa nước ngoài khi ngắm nhìn vào ban ngày và ban đêm.

    Câu chuyện “Con người – Con người Hito Bito”, “Một nơi thuộc về chính mình” và “Dòng sông ký ức” được các nhà nghệ thuật di dân viết lên từ những cảm xúc của họ khi sinh sống và cùng phát triển ở một miền đất lạ. Nhà nghệ thuật người Nhật Bản Trường Hữu Đại Phụ (ながともだいすけ) cùng vợ ông – nhà nghệ thuật Chiêm Minh Nị (Zhan, Ming-Ni) đồng sáng tạo tác phẩm “Con người – Con người Hito Bito”. Lấy kết cấu của chữ “Nhân” để tượng trưng cho sự phụ thuộc và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Tác phẩm được tạo thành bởi hai chữ “Nhân” nhỏ kết hợp lại thành chữ “Nhân” lớn. Đây cũng chính là hình ảnh miêu tả hai nhà nghệ thuật cùng nhau xây dựng gia đình và an cư lập nghiệp tại Đài Bắc. Nhà nghệ thuật người Pháp Margot Guillemot cùng chồng bà – nhà nghệ thuật Khâu Kiệt Sâm (Qiu, Jie-Sen) đồng sáng tạo tác phẩm  “Một nơi thuộc về chính mình”. Lấy hình ảnh những chiếc vali để tượng trưng cho sự gói gém tình cảm của người nhập cư khi rời xa quê hương đến định cư tại Đài Loan. Đồng thời, hình ảnh ngôi nhà được tạo nên bởi những chiếc vali được mở ra, tượng trưng cho việc người nhập cư đã tìm được một nơi để về của chính mình. Mark (Mark Lester Lugay Reyes) - nhà nghệ thuật người Philippines, dù danh tính chính thức là một di công nước ngoài, nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản anh “sáng tạo nghệ thuật trong nhà máy” và theo đuổi giấc mơ trở thành nhà nghệ thuật của mình. Mark lấy đặc điểm văn hóa “Hợp lực di chuyển nhà” của người Philippines để làm ý tưởng sáng tạo. Anh đã cùng Ligh Art Lab sáng tác tác phẩm “Dòng sông ký ức”, qua đó giới thiệu cho chúng ta câu chuyện đẹp về sự đoàn kết và tinh thân tương thân tương ái của người Philippines.

    Hai tác phẩm “Giới thiệu về Đài Bắc” và “Chúng ta dưới bầu trời đầy sao” được sáng tác bởi quá trình tham gia thực tế và “cùng hợp tác”. Thông qua các hoạt động làm thủ công, gia đình người nhập cư được mời cùng tham gia sáng tác với các nhà nghệ thuật dựa trên nền tảng văn hóa đất nước họ. Đội ngũ nghệ thuật của Phòng sáng tác Lưu Ngụ (Liuyu) và Ligh Art Lab đã sử dụng thiết kế mô hình và nhịp điệu của ánh sáng, để những hình ảnh độc đáo và ký tự viết tay trở thành “nhân vật chính” của tổ hợp đèn chiếu sáng. Ngoài ra, Cục Dân chính cũng thiết kế một bộ lọc tương tác thú vị cho hai tác phẩm này, để người đến tham quan có thể chụp ảnh check in. Những chú Thỏ mặc trang phục có hoa văn đại diện của các quốc gia và hình ảnh cơn mưa chữ sẽ mang đến cho mọi người một trải nghiệm khác biệt.

    Tổ hợp đèn chiếu sáng của người di cư tại “Khu triển lãm Nguồn gốc” đã tập hợp các nhà nghệ thuật với quốc tịch khác nhau. Lấy thông điệp “cùng tồn tại”, “cùng phát triển” và “cùng sáng tạo” làm chủ đề chính về cuộc sống tại Đài Bắc. Mặc dù không nói cùng một ngôn ngữ, không cùng nền văn hóa, nhưng họ đã cùng đến mảnh đất này, cùng thưởng thức ẩm thực, cùng lập gia đình, cùng đi du lịch, cùng dũng cảm đối mặt với khó khăn, cùng theo đuổi giấc mơ và cùng gieo hương vị Đài Bắc của chính mình.