Chủ nhiệm Phòng Đào tạo trường tiểu học Tân Giang (Binjiang) – Thái Triều Hiện (Chai-Chaoxian)
Trong một lớp học thường sẽ có một số học sinh có kết quả học kém, ít nói, ít giao tiếp với mọi người xung quanh v.v... Tôi cần nhấn mạnh rằng, hiện tượng này không chỉ xảy ra với một số con em trong gia đình Tân di dân, mà cũng có thể xảy ra đối với học sinh sinh ra trong những gia đình thông thường khác. Nguyên nhân có thể là do tình cách của học sinh, cách giáo dục của gia đình và sự tương tác giữa bố mẹ và con cái.
Đối với những người nhập cư đến từ các nước Đông Nam Á, nếu kết hôn thông qua môi giới, họ thường không có tiếng nói trong gia đình. Ai may mắn gặp được người chồng biết yêu thương và bảo vệ vợ, con của họ sinh ra thường ít gặp vấn đề trong quá trình trưởng thành. Ngược lại, nếu gặp phải người chồng không biết tôn trọng vợ, không nói chúng ta cũng có thể tưởng tượng được cuộc sống của họ. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình không hòa thuận như này, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và vất vả trong việc học tập và thích nghi cuộc sống.
Đối với những trẻ có kết quả học tập và thích nghi kém, ở trường chúng tôi sẽ tư vấn tâm lý, động viên khuyến khích trẻ tích cực biểu hiện, chăm chỉ học tập để tránh bị người nhà la mắng. Nhà trường và các thầy cô giáo sẽ cố gắng giao cho trẻ cơ hội phục vụ và biểu hiện bản thân. Ví dụ, để các em tham gia vào đội vệ sinh, đội điền kinh, đội bóng hoặc làm người dẫn chương trình v.v...Chỉ cần các em không phản đối, nhà trường sẽ để các em tham gia. Bằng cách tạo sân chơi cho trẻ, trẻ sẽ trở nên tự tin hơn và gia đình sẽ không tiếp tục giáo dục trẻ bằng cách la mắng nữa.
Một số trẻ khi gặp phải biến cố gia đình (mất người thân, kinh tế gia đình gặp phải khó khăn v.v...), tính tình của trẻ sẽ thay đổi tức thì và xuất hiện một số hành vi biểu lộ ra ngoài rất rõ rệt như: im lặng không nói chuyện, nghiện sử dụng máy tính và điện thoại, không tắm gội, bỏ bê việc học v.v... Trong trường hợp này, nếu chỉ có thầy cô phụ đạo can thiệp và quan tâm đến trẻ thì việc cải thiện hành vi của trẻ sẽ có nhiều hạn chế. Vì thế, nếu thầy một học sinh nào đó thường lủi thủi một mình, không có bạn bè bên cạnh khi ở trường, các thầy cô giáo sẽ chú ý quan tâm, đến nhà hỏi thăm và tìm hiểu tình hình trong thời gian thích hợp. Nhà trường ngoài thông báo cho phụ huynh biết những biểu hiện và tình hình học tập của trẻ khi ở trường, cũng sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ phụ huynh. Nếu biết phụ huynh gặp khó khăn, nhà trường cũng sẽ tìm các nguồn lực hỗ trợ để giúp cho gia đình các em tạm thời vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như trên, khi các em chuyển cấp hoặc thay đổi môi trường học tập, hai trường cần làm tốt công tác kết nối (trong việc học tập và phụ đạo). Trường mới cần đặc biệt chú ý đến những em học sinh này. Việc chuyển đổi môi trường có thể cho các em thêm một lần khởi đầu mới, giúp các em có một thái độ tích cực để đối diện với những thử thách của cuộc sống. Các em hoàn toàn không đơn độc trên con đường các em đi, có rất nhiều người âm thầm quan tâm đến các em, nếu có bất kỳ vấn đề gì các em có thể tìm sự giúp đỡ của các thầy cô giáo. Thầy cô giáo ở trường và phụ huynh sẽ luôn là chỗ dựa vững chắc cho các em.